Ăn dặm kiểu Nhật được nhiều trẻ ưa chuộng vì giúp ích nhiều cho việc xây dựng chế độ dinh dưỡng về sau, giúp bé tập ăn sớm một cách an toàn và chủ động. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều khuyết điểm về kiểu ăn dặm này.

Trẻ em Nhật Bản bắt đầu quá trình ăn dặm từ 5 tới 15 tháng tuổi là kết thúc. Thực đơn ăn dặm của mẹ Nhật thay mới mỗi lần, không trộn lẫn để đoán biết được bé con bị dị ứng với những loại thực phẩm nào. Các món được nấu nhừ như nước loãng đến quánh đặc dần dần, từ mịn tới thô rất khoa học.

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, cách ăn dặm kiểu Nhật cũng tồn tại một số khuyết điểm và cách xử lý như sau.

1. Mất nhiều thời gian

Có thể nói ăn dặm kiểu Nhật thường khiến mẹ tốn khá nhiều thời gian và công sức ngay từ khâu suy nghĩ lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu cho đến việc chế biến. Các món ăn của bé cần đảm bảo đúng khoa học theo từng tỉ lệ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và phải thường xuyên xoay vòng để giúp bé không cảm thấy ngán.

Ăn dặm kiểu Nhật không dùng gia vị nên hương vị từ các món ăn được tạo ra từ rau củ do đó, mẹ cần phải biết kết hợp nhiều thực phẩm khác nhau.

Cách giải quyết: mẹ cần chuẩn bị từ sớm cùng bố, tìm hiểu về những thực phẩm dinh dưỡng, nhất là rau củ và sắp xếp thực đơn từ sớm. Mẹ nên đầu tư những vậy dụng bếp để cân đong thực phẩm dễ dàng hơn.

2. Chi phí đầu tư cao

Để thuận tiện trong việc chuẩn bị bữa ăn cho bé mẹ cần trang bị cho mình bộ dụng cụ chế biến đồ ăn dặm kiểu Nhật với nhiều công cụ khác nhau như: Đĩa mài, ray, chày nghiền, vắt, bát, muỗng… Ngoài ra còn có nồi áp suất, quánh nấu cháo.

Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật phong phú

Vấn đề khó tránh khỏi nên mẹ cần ưu tiên vật dụng đa năng để sử dụng về sau và cũng đỡ tốn diện tích bếp. Mẹ nên tham khảo giá thị trường để mua được đồ tốt những vẫn tiết kiệm được một khoản nhỏ.

3. Trẻ không ăn được nhiều

Phương pháp này dựa trên sự tôn trọng trẻ, do đó khi bé đã không muốn ăn, mẹ sẽ dừng lại ngay lập tức, không cố gắng thúc ép. Chính vì vậy trong giai đoạn đầu có thể bé sẽ không tăng cân nhanh như cách ăn dặm truyền thống.

Nhưng theo những mẹ đã có kinh nghiệm, mẹ đừng quá lo về vấn đề tăng cân của trẻ vì dinh dưỡng từ khẩu phần vẫn đủ cung cấp và trẻ cũng sẽ ăn ở mức cơ thể cần. Việc không thúc ép trẻ cũng giúp tạo cho trẻ thói quen tôn trọng thức ăn từ nhỏ.

4. Mẹ dễ bỏ cuộc

Ngay khi áp dụng cách ăn dặm kiểu Nhật có thể mẹ sẽ thấy rất hào hứng và phấn khởi nhưng khi bắt tay vào thực hiện được một khoảng thời gian thì bắt đầu nản chí. Một phần là vì tốn quá nhiều thời gian, một phần vì không có sự “hợp tác” tốt giữa bé và mẹ và đôi khi vì những bất đồng ý kiến về cách nuôi con giữa các thành viên trong gia đình.

Trước khi bắt đầu, mẹ nên thảo luận trước với gia đình về những vấn đề như lợi ích của phương pháp, việc trẻ sẽ ăn ít,…Và tìm sự hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình. Khi cho bé ăn dặm, mẹ nên tạo không gian tốt và vui vẻ (tốt nhất nên cho bé ăn cùng trong bữa ăn gia đình để tạo không khí và nếp sinh hoạt cho trẻ). Mẹ nên chú trọng vào khả năng ăn, nhai của trẻ để lấy đó làm động lực mỗi khi chán nản.