Shopping Cart 0 items - $0.00 0

Khởi động chương trình thành công cho con của bạn.

 

Nếu muốn con cái lắng nghe chúng ta và có động lực để làm những việc đúng đắn cho bản thân mình, chúng ta phải biết cách khai thác sức mạnh của năm nhu cầu cảm xúc, được ví như năm “nút bấm cảm xúc” này. Chỉ khi chúng ta có thể đem lại cho con cái cảm giác được yêu thương, chấp nhận, trở nên quan trọng và được tự chủ thì chúng ta mới có thể khiến chúng hợp tác với mình trong hầu hết mọi chuyện. Sức mạnh của việc khai thác, tận dụng năm loại nhu cầu cảm xúc chính là một trong những phương pháp mà tôi sử dụng nhiều nhất để có được sự hợp tác từ những học sinh được xem là bất trị.

 

Vài năm trước, tôi nhận trách nhiệm đào tạo một lớp học gồm nhiều học sinh kém ở một trường phổ thông tại Singapore. Lần đó, có một nhóm khoảng năm em cứ nói chuyện rào rào như bắp rang trong suốt buổi học. Mặc dù tôi đã nhiều lần nhắc nhở chúng giữ yên lặng và tập trung vào hoạt động của lớp, chúng vẫn phớt lờ tiếp tục phá ngang. Từ lâu tôi đã để ý thấy trong mỗi băng nhóm học sinh luôn có một “đại ca” ảnh hưởng tới cả nhóm. Lần này tôi biết, nếu mình thu phục được đứa đầu sỏ trong nhóm đó (một cậu học sinh quậy phá tên là Jonathon) thì chẳng còn vấn đề gì với những đứa còn lại, chúng sẽ nghe theo răm rắp. Thế là tôi quyết định sử dụng một chiêu mới. Giữa buổi học, tôi cho cả lớp nghỉ giải lao nhưng lại bảo Jonathon rằng tôi muốn nói chuyện với cậu. Jonathon tỏ thái độ thách thức ra mặt, có lẽ cậu nghĩ tôi sẽ trách mắng cậu vì đã đầu têu gây mất trật tự trong suốt buổi học.

 

Thay vào đó, tôi đã làm một việc mà cậu hoàn toàn không nghĩ tới. Tôi mỉm cười thân thiện và nói rằng tôi muốn hỏi cậu một vấn đề rất quan trọng. Cậu trai tỏ vẻ bối rối, thậm chí còn bất ngờ hơn khi tôi nói muốn mời cậu đi uống nước để nói chuyện. Tôi đối đãi với cậu như với một người bạn cũ khi dẫn cậu đến căn tin dành cho giáo viên để uống nước và chuyện trò. Tôi bắt đầu bằng những câu hỏi thể hiện sự quan tâm và tò mò, “Thầy để ý thấy các bạn em tôn trọng em như một anh hai. Hình như chúng nghe theo những gì em nói. Này khả năng lãnh đạo của em từ đâu mà có vậy?”. Cậu ta ngớ người ra ấp úng, “Tài lãnh đạo? Em … em có khả năng lãnh đạo?”. “Đúng thế! Em là một nhà lãnh đạo bẩm sinh” – tôi trả lời khá thành thật – “Và em có tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo thành công”. Cậu ta chỉ còn biết nhìn tôi với ánh mắt sững sờ, kinh ngạc. Sau đó tôi bồi thêm, “Jonathon à, thầy muốn nhờ em giúp thầy một việc”. Jonathon vẫn chưa hết kinh ngạc, có lẽ cậu đang tự hỏi một nhà huấn luyện nổi tiếng mà cũng có việc phải nhờ tới cậu giúp hay sao. Thế là tôi thành thật bảo rằng, để có thể chia sẻ kiến thức và hiểu biết của tôi cho các bạn trẻ trong lớp, tôi cần tất cả tập trung vào bài học. “Thầy biết rằng các bạn ấy sẽ không nghe thầy khi thầy nhắc nhở giữ trật tự, nhưng các bạn ấy lại chịu nghe em vì chúng thật sự tôn trọng em. Em có nghĩ là mình có thể nhắc nhở các bạn tập trung hơn không? Thầy cần em giúp đỡ”. Việc làm của tôi đã làm cho cậu học trò ngỗ ngược cảm thấy tự hào về bản thân (có tài lãnh đạo, được bạn bè tôn trọng) và có cảm giác mắc nợ tôi (được chính thầy mời đi uống nước như người lớn cơ mà). Thế là cậu trả lời “Em sẽ cố hết sức”. Không còn phải nghi ngờ gì nữa, khi buổi học tiếp tục, cái nhóm ồn ào của cậu ngồi im như thóc. Tôi liếc thấy khi có ai nói chuyện, cậu còn nhắc nhở người đó giữ im lặng. Tại sao cách xử lý của tôi lại ứng nghiệm đến vậy?

 

Đa số người thầy trong trường hợp ấy thường sẽ làm ngược lại, họ ra oai quát mắng những đứa trẻ gây nhiễu loạn trong lớp học. Việc mắng mỏ công khai thường chỉ tạo ra sự chống đối ngấm ngầm hoặc lộ liễu, thậm chí cả hành vi nổi loạn của những học sinh cá biệt. Tôi thì lại làm cho cậu ta oai phong lẫm liệt, được thầy giáo công nhận phẩm chất lãnh đạo và cần đến sự giúp đỡ cơ mà. Thế là tôi “điểm trúng huyệt” cu cậu và Jonathon trở thành một học sinh gương mẫu.