Shopping Cart 0 items - $0.00 0

Tạo điều kiện cho con cái tự giải quyết vấn đề của chúng

 

 

Những người thành công trong vai trò làm cha mẹ có cách thức rất khác biệt trong việc giúp giải quyết vấn đề của con cái. Trước hết, họ hiểu và thông cảm với những cảm xúc trong lòng chúng. Khi con bạn cảm thấy chúng được lắng nghe và cảm thông, chúng sẽ cởi mở hơn, vui lòng chia sẻ những suy nghĩ và tình cảm của mình một cách tự nhiên hơn. Những người này cho rằng, một khi trẻ tự tin hơn, chúng khắc có cách tự giải quyết vấn đề (với sự hướng dẫn của chúng ta nếu cần thiết).

 

Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng nằm sâu dưới mỗi vấn đề trong cuộc sống là cả một dòng sông cảm xúc lẫn lộn luôn tuôn chảy, đôi khi sôi sùng sục như một dòng thác. Điều đó lý giải tại sao nhiều tội phạm thủ ác trong khi bị khống chế bởi những cảm giác thù hận hoặc tuyệt vọng điên cuồng. Khi con trai nói với bạn rằng nó đánh mất điện thoại, có lẽ nó đang buồn phiền (vì mất đi một món đồ thân thiết), bực dọc (với kẻ đã thó cái điện thoại), cảm thấy bản thân mình tồi tệ (vì đã hớ hênh đánh mất điện thoại) và nuối tiếc (để mất đi những kỷ niệm gắn bó với chiếc điện thoại). Khi con gái tâm sự với bạn là cô bé bị phản bội, có lẽ cô bé đang gánh chịu một cú sốc lớn trong đời mà không phải người lớn nào cũng vượt qua được một cách ngoan cường. Chia sẻ với bạn như vậy, có nghĩa là chúng tìm về với cha mẹ, như con chim tìm về tổ ấm, nơi chúng có thể nhận được cảm giác được an ủi, được vỗ về, được nghe những lời khuyên thấu tình đạt lý để có thể làm liền sẹo vết thương lòng, và can đảm vượt qua hoặc giải quyết các hậu quả. Vậy mà cứ theo cách ứng xử thông thường của chúng ta, thử hỏi con cái chúng ta nhận được gì ngoài cảm giác cay đắng, bẽ bàng rằng, thì ra cả những người thân yêu nhất trên đời cũng chẳng hiểu mình nốt.

 

Xin bạn hãy nhớ rằng: trước khi bạn có thể ảnh hưởng tốt đến con cái, bạn phải bước được vào thế giới của chúng, nói chung một tiếng nói với chúng. Thật may là chúng ta có thể làm được việc này bằng cách hiểu và đồng cảm với cách nghĩ, cách cảm của chúng về mọi việc. Tức là chúng ta hồi đáp lại tiếng vọng cảm xúc của con cái. Chỉ khi ấy bầu không khí của cảm thông chia sẻ mới được thiết lập. Đứa trẻ, đứng trước người hiểu nó, trân trọng cảm xúc của nó, cũng giống như kẻ chết đuối vớ được cọc. Những cảm xúc sôi sục trong lòng chúng sẽ lắng dịu xuống, khi ấy chúng có thể bình tĩnh lắng nghe và đánh giá cao những lời khuyên bảo của cha mẹ và gần như trong trường hợp nào trẻ cũng sẽ “tâm phục khẩu phục”.

 

Đâu chỉ dừng lại ở đó, khi làm như vậy, chúng ta không chỉ giúp chúng gỡ rối vấn đề, mà còn giúp chúng trở về trạng thái tinh thần tích cực, có trách nhiệm để chúng tự tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình. Xin hãy nhớ rằng những bậc cha mẹ thành công không đặt nặng việc cải tạo, uốn nắn con cái hay cho chúng vào khuôn phép. Họ chỉ làm tất cả để tạo điều kiện cho con cái tự giải quyết và điều chỉnh những vấn đề của chúng.