Shopping Cart 0 items - $0.00 0

Tập nói không với trẻ thích làm nũng.

 

Có những bậc cha mẹ không thể từ chối con bất cứ điều gì. Con họ có thói đòi gì được nấy. Nhiều người quyết tâm sẽ nói “không” khi con đòi những gì vô lý hoặc có hại nhưng khi con ngỏ ý thì họ lại không từ chối được. Tại sao vậy? Có bốn nguyên nhân:

1. Trẻ rất ngây thơ, kháu khỉnh và dễ bị tổn thương nên cha mẹ không nỡ từ chối. Ai nỡ nào làm cho trẻ khóc được!

2. Phần lớn cha mẹ trưởng thành trong nền giáo dục độc đoán của cha mẹ mình ngày xưa. Cho nên ngày nay họ thà mang tiếng chiều con còn hơn là làm cho con cái mình sống trong sự kềm hãm như họ hồi trước.

3. Phần đông cha mẹ không có thời gian để giải thích cho con tại sao họ từ chối nó. Chút giờ rãnh rỗi sau một ngày mệt nhọc để dành chơi với con hoặc làm công việc gia đình thì thú vị hơn là căng thẳng “cãi nhau” với con và nó khóc lè nhè.

4. Sau một ngày làm việc vất vả, ai mà không muốn cùng gia đình hưởng một buổi tối vui vẻ. Gặp phải cảnh con khóc nhè, làm nũng, không chịu ăn… Thôi thì ráng mà chiều con cho qua chuyện. Nói “không” trước những yêu cầu bất hợp lý của con không làm cho trẻ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc tổn thương mà là khép trẻ vào kỷ luật. Biết từ chối đúng lúc không những dạy cho con không phục tùng mù quáng mà còn dạy nó biết tự chủ và tự kiểm soát cuộc đời của mình. Trẻ cảm thấy tự tin và tự do hơn khi chúng phải chịu trách nhiệm với chính mình.

Trẻ con không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng và nó cũng biết là nó không thể làm việc đó. Trẻ cũng hiểu rằng chúng còn quá nhỏ trước một thế giới quá rộng lớn. Để cho trẻ chọn lựa và quyết định chỉ khiến cho chúng lo âu mà thôi vì trẻ nghĩ rằng cha mẹ là những người “lớn”, tại sao lại để cho chúng quyết định thay vì chỉ ra cho chúng biết những gì chúng phải làm! Vì vậy, chính thái độ kiên quyết và nhất quán của cha mẹ làm cho trẻ yên tâm hơn và giúp chúng phát triển nhân cách mạnh mẽ. Trẻ không mất tinh thần, mà trái lại, còn đồng lòng ủng hộ kế hoạch hợp lý cha mẹ đã vạch ra. Trẻ sẽ nghĩ rằng “Cha mẹ tài giỏi và mạnh hơn tất cả.

Cha mẹ luôn bảo vệ mình. Mình luôn có cha mẹ ở bên cạnh”. Cần giải thích ngắn gọn: Câu trả lời “không” của cha mẹ làm cho trẻ yên tâm nhưng không nên vì thế mà lạm dụng. Tiếng “không” của cha mẹ phải được sử dụng hạn chế và được cân nhắc. Muốn cho con nghe lời thì phải biết nói “không” đúng lúc, hợp lý, nhất quán, tôn trọng và phù hợp với tuổi của con. Song cũng cần phải giải thích ngắn gọn để giải tỏa nỗi ấm ức trong lòng của chúng. Tiếng “không” có khi là một cấm đoán, có khi là một yêu cầu, có khi chỉ là một câu “Thôi, đủ rồi…” Cha mẹ phải biết thông cảm vì đôi khi yêu cầu thực sự của trẻ không phải là những gì chúng cần ngay lúc đó.

Nếu trẻ đòi “Mẹ mua cho con cái xe này đi”, bạn có thể tử chối khéo “Cái xe này cũng giống cái xe xanh mẹ mua cho con năm ngoái đó. Chắc con thích lắm? Mẹ sẽ tặng con vào sinh nhật năm nay nhé”. Trẻ hân hoan khi thấy mẹ đồng ý. Nhận ra được tình thương yêu và chăm sóc của mẹ, trẻ sẽ không đòi hỏi gì hơn.