Shopping Cart 0 items - $0.00 0

Công thức để có những đứa con ngoan

 

Điều đáng mừng là khi bạn đã học được cách hiểu và tương tác với con cái một cách đúng đắn, bạn sẽ chứng kiến một chuyển biến không ngờ, trẻ sẽ trở thành những “thiên thần” biết yêu thương, cảm kích trước tình yêu thương của cha mẹ; có ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, cho dù vào lúc này, chúng có thể là những “thiên thần nổi loạn” hỗn láo, bỏ ngoài tai những lời cha mẹ hoặc trơ lỳ trước những thông điệp của tình thương. Trong đời mình tôi đã chứng kiến nhiều phép lạ xảy ra khi cha mẹ và con cái cùng nỗ lực “đổi mới” mình qua những quan niệm và phương pháp tích cực để thành công hơn trong cuộc sống và quan hệ gia đình.

Nhiều phụ huynh và thầy cô giáo thường lấy làm ngạc nhiên vì tôi có thể truyền cảm hứng cho một sự thay đổi lớn trong các em, thậm chí ngay cả với những học sinh “khó trị” nhất, chỉ sau một thời gian ngắn. Tôi thường nói với họ rằng, “phép màu” không nằm ở đâu khác ngoài khả năng hiểu biết, năng lực cảm thông và cách thức giao tiếp bằng lời với các bạn trẻ. Bí quyết cũng nằm ở chỗ biết cách khơi gợi những cảm xúc tích cực trong trẻ bằng cách “bấm đúng nút”. Tôi tin rằng tất cả trẻ em, về bản chất đều có sẵn trong mình động lực vươn tới thành công và rất dễ “sung” nếu ta biết cách gửi đi đúng thông điệp chúng cần.

Vấn đề là ở chỗ, người lớn chúng ta có biết cách giúp chúng khám phá sức mạnh vốn có trong chính bản thân chúng hay không. Lý do giải thích tại sao hầu hết các ông bố bà mẹ cảm thấy khó bắt con cái nghe “lời hay lẽ phải” của mình là vì bản năng tự nhiên của cha mẹ xui khiến họ “bấm sai nút”. Bởi thế, thay vì làm cho trẻ cảm thấy phấn chấn tự tin, họ lại chỉ làm cho bọn trẻ nhụt chí, đôi khi muốn chống đối hoặc làm ngược lại những điều mà cha mẹ chúng muốn. Ví dụ, nếu con trai bạn một ngày nào đó nói với bạn rằng, “Con thấy việc đến trường thật nhàm chán, chỉ tốn thời gian”, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Tôi biết đa số ông bố bà mẹ sẽ lập tức nhảy dựng lên và nói những câu gay gắt, “Con bị điên à?”, “Mày phải học cho dù có thích hay không, nghe chưa!” hay “Con phải học vì tương lai của con”.

Trong các chương sau, bạn sẽ biết rằng cách phản ứng như thế không hề giúp bạn đạt được mục đích truyền cảm hứng thay đổi cho con bạn, dù đó chính là điều bạn mong muốn. Thật vậy, trước phản ứng như thế của cha mẹ, con bạn chỉ thấy một điều, đó là cảm xúc của chúng bị coi nhẹ,

rằng bạn không hề quan tâm hay hiểu chúng chút xíu nào. Việc này có thể càng khiến chúng chán học hơn. Vậy, bạn nên phản ứng như thế nào để đạt được mục đích của mình? Trong quyển sách này, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn các phương pháp mà bạn có thể sử dụng để con bạn giải phóng sức mạnh và tài năng vốn còn ngủ yên sau những cánh cửa im ỉm khóa trong bản thân chúng. Những phương pháp mà bạn sẽ biết trong các chương sau là kết quả của nhiều năm tôi nghiên cứu và làm việc với hàng ngàn bậc cha mẹ ở Singapore và các nước trong vùng. Tôi thật lòng tin rằng, việc áp dụng những gì bạn học được từ quyển sách này sẽ làm nên một “phép màu” cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc học cách giải phóng và kích hoạt những khả năng tiềm ẩn trong mỗi đứa con, bạn nhé!