Nếu vành tai cháu bé xa da đầu quá, chớ nên dính vành tai vào da đầu bằng băng keo hoặc bắt cháu đội mũ xụp xuống cả ngày để hòng sửa đổi được cái dáng của đôi tai.

Bạn hãy kiên trì đợi tới khi cháu lên 8 hoặc 9 tuổi, vì tới lúc đó mới sửa được cho cháu bằng phương pháp phẫu thuật rất đơn giản.

VẬT LẠ TRONG TAI

Nếu bạn không thể lấy ngay vật mà Bé đã nhét vào tai cháu thì đừng cố. Như vậy, bạn có thể làm tổn thương ống tai của Bé. Hãy đưa Bé tới bác sĩ khoa TAI-MũI-HọNG ngay. ở đó, bác sĩ có các dụng cụ chuyên môn để lấy vật ra.

ĐIẾC

Điếc là chứng bệnh không phải là hiếm thấy ở trẻ em. Các cháu có thể bị nghễnh ngãng hoặc điếc hoàn toàn. Hậu quả của tật điếc làm các cháu chậm biết nói. Nhiều bà mẹ không biết con mình bị tật này vì thấy con vẫn bình thường, nghĩ rằng cháu bé chỉ phát triển chậm đôi chút về trí tuệ. Một cháu bé hát sai có thể vì nghe không tốt: cần phải kiểm tra khả năng thính giác của cháu.

Phát hiện tật điếc của các cháu càng nhỏ, càng khó. Bố, mẹ các cháu nhỏ nên để ý theo dõi phản ứng của các cháu với các tiếng động hàng ngày như: tiếng nói nhỏ, tiếng rađiô, tiếng tích tắc đồng hồ, tiếng kẹt cửa v.v… Nếu có điều gì nghi ngại, nên đưa ngay cháu tới bác sĩ chuyên khoa tai để thử.

Việc kiểm tra định kỳ về thính giác cho các cháu thường được tiến hành khi các cháu được 9 tháng và 24 tháng. Hiện nay, ở các bệnh viện sản hoặc nhà hộ sinh, người ta đã áp dụng các phương pháp kiểm tra thính giác cho các cháu bé mới sinh được vài ngày hay vài tuần.

Nguyên nhân của tật điếc thì nhiều :

Cháu bé có thể bị điếc bẩm sinh do di truyền hoặc bị nhiễm bệnh ngay từ khi còn trong bụng mẹ, như bệnh thủy đậu chẳng hạn.

Cháu bị điếc nhẹ sau khi mắc một số bệnh; hoặc bị viêm tai mà chữa trị nửa chừng; hoặc do uống một số thuốc kháng sinh (như gentamicine) và bị ảnh hưởng của thuốc.

VẬT LẠ TRONG MŨI

Nếu Bé tống một vật nhỏ và làm kẹt vật đó trong mũi, thì bạn cần lấy ngay ra cho cháu. Nhưng phải cẩn thận, nếu không, bạn có thể làm cho vật tụt sâu thêm vào làm thương tổn tới phần niêm mạc bên trong. Nếu khó lấy vật ra, không nên cố mà nên đưa Bé tới bác sĩ chuyên khoa về tai-mũi-họng vì ở đó có nhiều dụng cụ chuyên môn để thực hiện việc đó có kết quả.