4-6 tháng tuổi là thời điểm mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn dặm. Bé bắt đầu tiếp xúc với thức ăn và việc ăn là điều khiến gian đoạn này vô cùng quan trọng. Vậy mẹ cần làm gì để bé bắt đầu ăn dặm một cách thuận lợi?

Bài viết xin giới thiệu cho mẹ những lưu ý trong việc xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 4-6 tháng tuổi.

Giờ ăn của bé

Bé nên được tập ăn từ sớm theo cùng giờ ăn của gia đình. Điều này sẽ giúp bé tạo được thói quen ăn uống đúng giờ cùng gia đình từ sớm. Đồng thời, khi ăn cùng gia đình, bé có thể cảm nhận sự ấm cúng và niềm vui của bữa cơm gia đình. Đây cũng là cách để gia đình vui vẻ hơn trong giờ ăn khi cùng quan sát bé tập ăn và quan sát bé trưởng thành từng ngày.

Khoảng thời gian này, dinh dưỡng của bé chủ yếu vẫn từ sữa mẹ, việc ăn dặm chỉ giúp bé làm quen với đồ ăn. Mẹ cần lưu ý rằng giờ ăn dặm đừng quá gần giờ bé bú sữa, bé đang no bụng sẽ không chịu ăn. Lâu dần, bé sẽ có ác cảm với đồ ăn và chán ăn.

Cách lên thực đơn

Mẹ nên bắt đầu từ bột dinh dưỡng có hương sữa để bé có cảm giác thân thuộc và dễ tiếp nhận. Nếu đồ ăn dặm là mẹ nấu, mẹ có thể nấu cháo loãng, ray mịn và pha thêm một ít sữa mẹ  vào đó để trẻ dễ tiếp nhận.

Mẹ cần chuẩn bị kỹ khi cho bé ăn dặm

Thức ăn dặm cho trẻ phải được nấu từ loãng đến đặc. Thức ăn kèm cho bé dùng nên được băm nhuyễn lúc đầu và cắt thô hơn dần về sau. Số lượng thức ăn và độ năng lượng nên tăng dần theo tháng tuổi, mẹ có thể bổ sung thêm dầu thực vật hoặc bột men tiêu hóa để bé dễ hấp thu hơn.

Một lưu ý khác là mẹ không nên cho thêm gia vị khi chế biến món ăn cho bé. Gia vị sẽ gây hại cho vị giác nhạy cảm của bé. Cho thêm muối vào đồ ăn khiến thận của bé hoạt động quá sức, lâu dài có thể khiến trẻ mắc các chứng như: cao huyết áp, hư thận, phù thũng.

Dinh dưỡng cần có

Những dưỡng chất cần có trong thực đơn ăn dặm của bé:

Nhóm cung cấp chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu (đỗ, lạc), vừng…

Nhóm cung cấp tinh bột: Gạo, mì, khoai, ngô…

Nhóm cung cấp chất béo: dầu, mỡ, lạc, vừng…

Nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng: Rau, quả, đặc biệt các loại rau có màu xanh thẫm như: Rau ngót, rau muống, rau dền, rau cải, mồng tơi…và các loại quả có màu đỏ hoặc vàng: chuối, đu đủ, xoài…Một ngày phải cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm trên.

Quan sát bé

Mẹ cần quan sát kĩ khi bé bắt đầu ăn dặm, xem xét thái độ của bé với những món ăn khác nhau. Điều này sẽ giúp mẹ nhận ra bé thích ăn gì, khẩu vị của bé như thế nào. Sau đó, hãy điều chỉnh khẩu phần ăn dinh dưỡng theo khẩu vị của bé. Bé sẽ thích thú tiếp nhận đồ ăn hơn, ăn giỏi hơn và mẹ yên tâm rằng bé vẫn đủ dinh dưỡng.

Kèm theo đó, mẹ nên trì hoãn việc ăn dặm nếu bé đang gặp vấn đề khó chịu như: đau răng, đau bụng,…Khi ăn dặm, ăn món mới vào những lúc khó chịu, bé sẽ có ấn tượng rằng món ăn đó gây ra sự khó chịu cho bé, khiến bé bài xích món ăn đó về sau.