Shopping Cart 0 items - $0.00 0

Kỉ luật trong gia đình để dạy con cái đúng cách

 

Theo quan niệm cũ thì cha mẹ là người “làm luật” trong gia đình. Chúng ta duy trì trật tự kỷ cương trong nhà và chăm lo làm sao để trẻ không vượt rào cũng như gây ra những xáo trộn về tôn ti trật tự trong gia đình. Khi trẻ làm điều gì sai trái, cha mẹ sẽ là người đứng ra phân xử, quyết định hình thức xử phạt để kẻ phạm lỗi lần sau không tái phạm nữa. Nhưng quan niệm như vậy có còn đúng không trong một xã hội hiện đại, khi mà đường biên giới giữa các quốc gia và đặc thù văn hóa của mỗi dân tộc không còn là yếu tố lớn nhất quyết định lối sống của con người nữa.

Trong một thế giới phẳng ngày nay, bạn có thể là người Việt Nam, người Singapore, nhưng lại sống và làm việc ở Châu Mỹ, Châu Âu, ở Trung Đông hoặc ngược lại. Để bắt đầu bàn về chủ đề kỷ luật trong gia đình, mong bạn vui lòng viết ra định nghĩa hay suy nghĩ của mình về kỉ luật trong khoảng trống phía dưới. Bạn hãy đọc lại câu trả lời của mình và thử nghĩ xem định nghĩa của bạn về kỷ luật có tác dụng làm cho con bạn ngoan hơn, học giỏi hơn và mối quan hệ giữa hai thế hệ trong gia đình tốt hơn không?

Theo kết quả trong những cuộc khảo sát với phụ huynh, chúng tôi nhận thấy cứ mười câu trả lời thì có chín câu mang hàm nghĩa tiêu cực. Chúng ta hãy cùng nghĩ lại về cách chúng ta định nghĩa kỷ luật. Có phải kỷ luật là những biện pháp làm sao giúp bạn thể hiện uy quyền của mình, nói cách khác, bạn là người làm ra luật còn con cái là kẻ thi hành, tức là bạn phải thắng và chúng phải thua?

Hay kỷ luật có nghĩa là bạn phải luôn chiều chuộng và nhượng bộ con cái trong tất cả mọi chuyện? Nếu bạn nghĩ như vậy về kỷ luật thì tôi sẽ không lấy làm lạ nếu bạn gặp khó khăn trong việc quản lý con cái khi chúng lớn hơn. Dạy con làm người cũng tương tự như việc bạn dạy con lái xe, mục đích cuối cùng là để chúng có khả năng tự lái chiếc xe của mình đến bất cứ nơi nào mà chúng muốn đến. Vai trò của bạn, với tư cách người làm cha làm mẹ, là hướng dẫn chúng lái xe đúng luật, duy trì tốc độ an toàn, biết khi nào cần thắng lại và khi nào cần tăng tốc. Nhưng người cầm lái, người làm chủ cuộc đời chính là con bạn chứ không phải bạn. Nếu việc nuôi dạy con chỉ đơn thuần dừng lại ở việc dạy cho chúng biết những điều đúng đắn, những việc được làm và không được làm thì có lẽ chỉ cần một quyển sách giáo khoa về luân lý là đủ. Sự nghiệp trồng người thật ra khó khăn phức tạp hơn nhiều.

Là cha mẹ, chúng ta còn phải biết được khi nào nên cương khi nào nên nhu, khi nào nên bảo ban, khi nào nên dẹp quyền sang một bên mà dùng tình thương yêu để cảm hóa con cái. Đó cũng là cả một nghệ thuật đã và đang trở thành đề tài nóng cho không biết bao nhiêu quyển sách từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây mà quyển sách bạn đang đọc là một trong số đó. Trong danh sách dài những công việc của người làm cha mẹ, có những việc thông thường và cũng có cả những thách thức lớn đối với cả cha mẹ lẫn con cái. Nếu chúng ta chỉ đơn thuần dùng kỷ luật để dạy con, rất có thể điều mà chúng ta nhận được không phải là tình yêu thương và sự hợp tác của con cái mà là một mối quan hệ khô cằn, dễ đổ vỡ từ hai phía. Vậy thử hỏi nếu một hình thức kỷ luật nào đó không làm cho con cái tốt hơn, ta có nên tiếp tục hay không? Có thể tạo ra một thứ kỷ luật giúp tất cả mọi người đều hài lòng và đóng góp vào sự tiến bộ của con cái không? Chắc chắn là có, và đó là lý do tôi viết chương cuối cùng này để cung cấp cho bạn những biện pháp xử lý hợp tình hợp lý khi con cái mắc lỗi.